Dịch bệnh Covid-19 đã và đang bùng phát ở khắp nơi trên thế giới, với sự thiệt hại khủng khiếp về con người và kinh tế. Loài người từng không ít lần trải qua những đại dịch kinh khủng nhưng bằng ý chí, sức mạnh và sự đoàn kết con người đều vượt qua được bệnh dịch
Đại dịch là một khái niệm dùng để chỉ một bệnh dịch do nhiễm khuẩn, xảy ra trên một quy mô rất rộng lớn của một tỉnh, quốc gia, khu vực hay toàn cầu và có tốc độ lây lan vô cùng khủng khiếp. Lịch sử loài người từng ghi nhận nhiều đại dịch lớn, tác động lớn đến con người, kinh tế, văn hóa và làm thay đổi văn minh thế giới.
- COVID-19 do virus corona
- Dịch Ebola
- Cúm H1N1
- Dịch SARS
- HIV/AIDS (1981 – nay)
- Cúm Hong Kong, hay H3N2 (1968 – 1970)
- Cúm Tây Ban Nha (1918 – 1919)
- Bệnh dịch tả
- Bệnh đậu mùa (thế kỷ 15 – 17)
- Cái chết đen (1347 – 1351)
- Bệnh dịch hạch Justinian (541 – 750 sau Công nguyên)
COVID-19 do virus corona (cuối 2019 – hiện tại)
Vào khoảng tháng 01-2020, chính quyền Trung Quốc công bố ca nhiễm COVID-19 đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Tính đến ngày 06-07-2021, toàn thế giới đã có hơn 184 triệu ca nhiễm, với hơn 4 triệu ca tử vong.
Cho đến nay, vẫn chưa có nước nào tìm ra được thuốc điều trị đặc hiệu cho Covid-19, thuốc ngừa thì chỉ có hiệu quả nhất định cho 1 số biến thể và cũng chỉ đặt 50%-95% tùy loại thuốc. Cả thế giới vẫn đang căng mình tìm cách ngăn chặn dịch bệnh bằng nhiều biện pháp khác nhau: phong tỏa đất nước, tạm dừng khai thác hàng không, cấm hoạt động tại các địa điểm công cộng.
Khi dịch bệnh Vũ Hán tràn vào Châu Âu, một số quốc gia đã xem nhẹ và một số chuyên gia khuyên rằng nên để miễn dịch cộng đồng -> thế là dịch bệnh bùng lên gây khủng hoảng toàn Châu Âu, số người chết kỉ lục.
Rồi khi dịch bệnh đến Mỹ, dân chúng Mỹ vốn coi trọng quyền tự do không chịu mang khẩu trang, không chịu giãn cách xã hội, lồng ghép vào thời khắc chính trị bầu Tổng Thống … dân Mỹ rơi vào vực thẳm của dịch bệnh.
Rồi Brasil, rồi Ấn Độ, rồi Phillipine ….
Từ những quốc gia kém phát triển cho đến những quốc gia phát triển, số ca nhiễm và tử vong tăng lên mỗi ngày.
Việt Nam, năm 2020, kiểm soát dịch bệnh gần như là rất tốt. Nhưng tháng 5, tháng 6 năm 2023 bắt đầu có dấu hiệu khó khăn hơn.
Bây giờ chúng ta ai cũng chơi Facebook và ai cũng muốn bày tỏ chứng kiến của mình.
Bây giờ điều chúng ta khao khát nhất là gì? Là mọi thứ phải hoạt động lại như cũ để chúng ta còn làm ăn, làm giàu ….
Đạo Phật có một câu nói rất hay: Cuộc đời là một chuỗi ngày bất như ý. Đau khổ hay hạnh phúc là cách chúng ta chọn phản ứng với bất như ý đó.
Những chuyện không xảy ra theo ý chúng ta.
Chúng ta quay qua chửi đủ thành phần vì dịch bệnh.
Bây giờ cùng Trung điểm lại vài điều.
1. Virus này biến thể liên tục. Nên việc tiên lượng trước mọi thứ gần như khó khăn. Từ đâu có nó và nó có mất đi hẳn hay không?
2. Virus này tấn công hầu hết ở người già, nhiều bệnh lý, hệ miễn dịch yếu. Người già này sống ở đâu?
Bên Châu Âu, Châu Mỹ những cái chết diễn ra trong viện dưỡng lão.
Còn Việt Nam? Những người già sống cùng con cháu họ.
Chúng ta thấy những người trẻ nhiễm bệnh không triệu chứng thì chúng ta la lên hãy giống như Singapore hay Châu Âu …. Chúng ta quên những người trẻ mang mầm bệnh về nhà lây nhiễm cho cha mẹ ông bà.
Giả sử có 1000 người già trở nặng cùng lúc ở Thành Phố này, liệu rằng hệ thống y tế của chúng ta có đủ sức gánh gồng?
Nên mới có chỉ thị giãn cách toàn xã hội.
Chúng ta lo một thì nhà nước lo 1 trăm.
Chúng ta ảnh hưởng 1 khoản thu nhập thì nhà nước ảnh hưởng cả nền kinh tế.
Chúng ta dựng nên những Bệnh Viện Dã Chiến giữ những người F0, F1 … là để tránh mang mầm bệnh đi nữa nên có thể có hiện tượng lây nhiễm chéo trong khu cách ly, nhưng tới giờ phút này chúng ta còn kiểm soát được.
Chứ nếu F1, F0 lang thang hay ở nhà, với điều kiện nhà ống, nhà hẻm, nằm sát nhau chật hẹp hiện nay tại Sài Gòn thì sao?
Người Châu Âu, Châu Mỹ họ xem cái chết đôi khi nhẹ hơn chúng ta rất nhiều, họ ít có tính chất gắn kết gia đình. Còn chúng ta, liệu chúng ta có bình tĩnh khi người thân mình nhiễm bệnh qua đời?
Dịch bệnh này, khó nói được đâu là bước đi đúng hay sai?
Ai cũng chịu tổn thất và tổn thương.
Bởi vậy lắng nghe những khuyến cáo của Trung Tâm Chống Dịch để hành động cho đúng.
Hãy thật sự ở yên trong nhà.
Những ai thật sự khó khăn hãy liên hệ với chính quyền ở tại phường xóm …. Trung nghĩ Sài Gòn luôn dang rộng vòng tay.
Nếu những ca nhiễm tiếp tục gia tăng, các bệnh viện điều trị chuyên khoa sâu được trưng dụng, các bác sĩ chuyên khoa sâu đẩy ra tiền tuyến … thì những bệnh nhân nặng không liên quan Covid sẽ đi về đâu?
Thay vì phản ứng lại thì hãy im lặng lắng nghe.
Thay vì vài bữa không được tập thể dục hãy nghĩ đến nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ.
Thay vì muốn đi đây đi đó hãy nghĩ đến những người già hơi thở vốn dĩ đã mong manh. (Nguồn: BS Trung)
Dịch Ebola xảy ra từ 2014 – 2016
Virus Ebola được đặt tên theo một dòng sông gần với nơi bùng phát đầu tiên. Mặc dù dịch Ebola không lây nhiễm trên quy mô toàn cầu nhưng lại được đánh giá là cực kỳ nguy hiểm.
Nó bắt đầu ở một ngôi làng nhỏ ở Guinea vào năm 2014 và lan sang một số nước láng giềng ở Tây Phi trong vài tháng. Bệnh lây truyền thông qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể như tinh dịch, sữa mẹ, mồ hôi, nước mắt hoặc chất bài tiết, chất thải của người mắc bệnh Ebola.
Tháng 8-2014, WHO chính thức ban bố dịch Ebola là “trường hợp khẩn cấp y tế công cộng cần được quốc tế quan tâm”.
Bằng hàng loạt biện pháp cách ly, phòng ngừa, nâng cao ý thức phòng dịch trong cộng đồng và hoạt động cứu trợ y tế từ các tổ chức khác nhau, đến năm 2016, dịch bệnh được đẩy lùi. Tuy nhiên, Ebola cũng đã giết chết 11.325 trong số 28.600 người nhiễm bệnh, hầu hết các trường hợp là ở Guinea, Liberia và Sierra Leone.
Giống như “đại dịch bị lãng quên”, Ebola gây ảnh hưởng nặng tại các quốc gia có điều kiện kinh tế và y tế lạc hậu. Người dân không đủ kiến thức và cách thức để tránh dịch.
Cúm H1N1 xảy ra từ 2009 – 2010
Tháng 3-2009, một dạng mới của virus cúm xuất hiện tại Mexico. Trong vòng vài tháng, dịch cúm đã lây nhiễm cho hàng trăm triệu người, với số ca tử vong toàn cầu từ 151.700-575.400.
Ngày 11-6-2009, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức công bố đại dịch cúm toàn cầu.
Dịch cúm này kết thúc trong cùng năm 2009 nhờ các biện pháp y tế chữa trị hiện đại và một phần không nhỏ nhờ các biện pháp phòng ngừa được người dân thực hiện. Đó là cách ly người bệnh; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi; sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt; tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm; ăn uống đủ dinh dưỡng giúp nâng cao hệ miễn dịch.
Dịch SARS xảy ra 2002 – 2003
SARS hay hội chứng hô hấp cấp tính nặng, là một căn bệnh gây ra bởi một trong 7 loại coronavirus có thể lây nhiễm sang người là: 229E (alpha coronavirus), NL63 (alpha coronavirus), OC43 (beta coronavirus), HKU1 (beta coronavirus), MERS-CoV (beta coronavirus), SARS-CoV (beta coronavirus), SARS-CoV-2 (COVID-19).
Ổ dịch đầu tiên được phát hiện ở Quảng Đông (Trung Quốc) vào năm 2003 và trở thành đại dịch toàn cầu khi nhanh chóng lan rộng ra tổng cộng 26 quốc gia. Dịch SARS lây nhiễm hơn 8.000 người và giết chết 774 người trên toàn thế giới.
Đại dịch kết thúc nhanh chóng, tỉ lệ tử vong thấp một phần nhờ hiệu quả của việc phản ứng nhanh, hành động quyết liệt của chính phủ các nước, bao gồm kiểm dịch các khu vực bị ảnh hưởng và cách ly các cá nhân bị nhiễm bệnh.
Sự bùng phát của dịch SARS cũng làm tăng nhận thức về việc ngăn chặn sự lây truyền bệnh do virus, đặc biệt là ở Hong Kong. Người dân có ý thức phòng bệnh hơn, các bề mặt nơi công cộng thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ hơn và “sạch sẽ” trở thành yếu tố nhất định phải có trong mọi môi trường sống của người dân Hong Kong ngày nay.
HIV/AIDS từ năm 1981 đến nay
Các trường hợp nhiễm HIV/AIDS đầu tiên trên thế giới được ghi nhận vào năm 1981, gây nên nỗi khiếp đảm trong cộng đồng dân cư toàn thế giới. Cho đến nay, 40 năm trôi qua nhưng căn bệnh lây truyền qua đường tình dục này đã lây nhiễm cho 75 triệu người, khoảng 32 triệu người đã chết và vẫn tiếp tục lây nhiễm, chưa có cách ngăn chặn triệt để.
Mặc dù chưa có phương pháp chữa bệnh AIDS, nhưng các loại thuốc điều trị bằng thuốc kháng virus có thể kiểm soát HIV và làm chậm tiến trình của nó một cách đáng kể, giúp người bệnh sống lâu hơn.
Bên cạnh đó, trình độ dân trí, ý thức phòng ngừa bệnh tật cũng nâng cao là một phần lý do đáng kể giảm ca lây nhiễm căn bệnh này.
Cúm Hong Kong, hay H3N2 (1968 – 1970)
50 năm sau khi đại dịch cúm Tây Ban Nha xuất hiện, một loại virus cúm khác được gọi tên là H3N2 lan rộng khắp thế giới. Các nhà khoa học nghi ngờ rằng loại virus này đã tiến hóa từ chủng cúm AH2N2 gây ra đại dịch năm 1957 tại châu Á, thông qua sự thay đổi kháng nguyên.
Đến cuối tháng 12-1968, virus đã lan rộng khắp Mỹ, Vương quốc Anh và các quốc gia ở Tây Âu. Úc, Nhật Bản và nhiều quốc gia ở châu Phi, Đông Âu và Trung và Nam Mỹ cũng bị ảnh hưởng. Ước tính số người tử vong toàn cầu vào khoảng 1 triệu người, khoảng 100.000 trong số đó là ở Mỹ.
Mặc dù không gây tử vong lớn như dịch cúm năm 1918, H3N2 lại đặc biệt dễ lây lan, với 500.000 người bị nhiễm trong vòng 2 tuần kể từ trường hợp được báo cáo đầu tiên tại Hong Kong.
Trước khi được tiêm văcxin phòng ngừa, chính phủ các quốc gia rút kinh nghiệm từ dịch cúm Tây Ban Nha, cùng đồng thời thực hiện một loạt biện pháp cách ly, phong tỏa và vệ sinh môi trường sống của người dân.
Đại dịch nhanh chóng được đẩy lùi vào năm 1970 và đã giúp cộng đồng y tế toàn cầu hiểu được vai trò quan trọng của việc tiêm phòng trong việc ngăn chặn sự bùng phát trong tương lai.
Cúm Tây Ban Nha (1918 – 1919)
Ca bệnh cúm Tây Ban Nha (còn được gọi là đại dịch cúm năm 1918) đầu tiên được ghi nhận trên một đầu bếp ở Kansas tên là Albert Gitchel. Trong vòng 3 tuần, 1.100 binh sĩ đã phải nhập viện và hàng nghìn người khác bị ảnh hưởng.
Sau đó, bệnh lây lan qua Pháp, Anh, Ý và toàn bộ Tây Ban Nha, gây ra sự ảnh hưởng nghiêm trọng với các hoạt động quân sự trong Thế chiến thứ nhất. 3/4 quân đội Pháp và hơn một nửa quân đội Anh đã ngã bệnh vào mùa xuân năm 1918. Tháng 5-1918, bệnh cúm đã tấn công Bắc Phi, sau đó là Ấn Độ, Trung Quốc và Úc.
Thời điểm bùng phát dịch cúm cũng là chiến tranh thế giới thứ nhất sắp kết thúc, nền kinh tế chưa được phục hồi, các cơ sở cơ y tế công cộng lạc hậu, thiếu thốn khi ấy không đủ khả năng để ngăn chặn dịch cúm do mọi nguồn lực đều được dành cho quân sự. Ước tính virus cúm lây nhiễm cho khoảng 500 triệu, hơn 50 triệu người trên toàn thế giới đã tử vong vì dịch cúm này.
Các hành động phòng ngừa chính thức đầu tiên được thực hiện vào tháng 8 -1918, bao gồm bắt buộc khai báo về các trường hợp nghi ngờ và sự giám sát các cơ sở như trường học và doanh trại; đóng cửa dọn dẹp vệ sinh các địa điểm họp công cộng, như nhà hát, và tạm dừng các cuộc họp đông người. Vì khi ấy không có vắcxin nên chính phủ các nước thực hiện cách ly những đối tượng bị cúm và cách này đạt hiệu quả cao.
Bệnh dịch tả
Đại dịch tả đầu tiên bắt đầu ở Jessore, Ấn Độ (1817-1823) và giết chết hàng triệu người dân Ấn Độ khi ấy. Sau đó, dịch tả bùng phát thêm nhiều đợt mới lan nhanh khắp các châu lục trong thời gian ngắn.
Mãi tới năm 1854, khi đại dịch đã lan rộng ở châu Âu, bác sĩ người Anh khi đó là John Snow tìm ra nguồn lây và đã ngăn chặn sự bùng phát vào bằng cách ngăn người dân sử dụng nguồn nước máy ô nhiễm. Dịch tả tại Anh nhanh chóng kết thúc trong vài ngày sau đó.
Tổ chức Y tế Thế giới gọi dịch tả là “đại dịch bị lãng quên” vì nó kết thúc rồi lại bùng phát. Kể từ trận dịch đầu tiên năm 1897, đến nay thế giới đã trải qua 7 trận dịch mới. Đợt bùng phát thứ 7, bắt đầu vào năm 1961 và kéo dài cho đến ngày nay. Dịch tả lây nhiễm 1,3-4 triệu người mỗi năm, tỉ lệ tử vong hàng năm từ 21.000-143.000.
Vì dịch tả gây ra do ăn phải thức ăn hoặc uống nước bị nhiễm một loại vi khuẩn nhất định nên nó có ảnh hưởng rất lớn đến các quốc gia có nên kinh tế yếu kém, trình độ dân trí thấp, điều kiện vệ sinh và hệ thống y tế kém. Trong khi đó, các nước giàu có hơn gần như không lo lắng về bệnh dịch.
Bệnh đậu mùa (thế kỷ 15 – 17)
Thực dân châu Âu xâm chiếm châu Mỹ vào thế kỷ 17 và mang theo cả bệnh đậu mùa (do virus variola gây ra) tới lục địa này. Bệnh đậu mùa đã cướp đi sinh mạng của khoảng 20 triệu người, gần 90% dân số ở châu Mỹ khi đó.
Bệnh dịch cũng khiến nhiều vị vua trị vì châu Âu tử vong, bao gồm Hoàng đế Habsburg Joseph I, Nữ hoàng Mary II của Anh, Czar Peter II của Nga và Vua Louis XV của Pháp.
Đại dịch đã giúp người châu Âu dễ dàng xâm chiếm và phát triển các khu vực mới bỏ trống, thay đổi mãi mãi lịch sử của châu Mỹ và nền kinh tế toàn cầu. Các cuộc khai thác khoáng sản quy mô lớn khi đó là một bước ngoặt quan trọng trong sự hình thành của chủ nghĩa tư bản hiện đại.
Năm 1796, bác sĩ người Anh Edward Jenner khám phá ra rằng con người có thể miễn nhiễm với đậu mùa sau khi chúng ta tiêm vào cơ thể một loại virus tương tự variola nhưng ít gây hại hơn. Các thí nghiệm của Jenner như lấy mủ từ bệnh nhân mắc bệnh nhẹ và đưa chúng vào da hoặc mũi của những người khỏe mạnh.
Kết quả cho thấy những người chưa bị bệnh sẽ chỉ bị nhiễm trùng nhẹ và phát triển khả năng miễn dịch với các đợt bùng phát mới. Tuy vẫn có người chết nhưng con số dần giảm mạnh.
Đây cũng chính là sự kiện dẫn đến sự ra đời của những liều vaccine (vắcxin) đầu tiên trên thế giới. Sau đó, nhiều quốc gia thực hành tiêm chủng để phòng đậu mùa. Năm 1980, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đậu mùa đã bị xóa sổ trên toàn thế giới. Cho đến nay đậu mùa vẫn là căn bệnh duy nhất mà con người xóa sổ được trên phạm vi toàn cầu.
Cái chết đen (1347 – 1351)
Đại dịch “cái chết đen” vẫn bắt nguồn từ khuẩn dịch hạch Yersinia pestis ký sinh trên loài chuột. Bệnh dịch lan đến châu Âu vào tháng 10-1347, khi 12 tàu từ Biển Đen cập cảng Messina của Sicilia (Ý). Người dân trên bến cảng đã gặp phải một bất ngờ kinh hoàng: hầu hết các thủy thủ trên 12 con tàu đều đã chết, những người còn sống thì bị bệnh nặng, toàn thân bao phủ trong những nhọt đen rỉ máu và mủ. Chính quyền Sicilia vội vã đưa số tàu này ra khỏi cảng, nhưng đã quá muộn.
Trong vòng từ năm 1347 đến 1351, dịch bệnh lan rộng khắp châu Âu, giết chết khoảng 25 triệu người. Giao thương, chiến tranh, nạn đói cùng những đoàn người di dân khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng ra mọi tầng lớp dân cư thời ấy.
Nhà sinh vật học người Pháp Alexandre Yersin sau này đã phát hiện ra mầm bệnh vào cuối thế kỷ 19. Các tiến bộ khoa học sau này cũng tìm ra cách lây lan và chữa trị dịch bệnh nhưng đối với người dân châu Âu khi đó thì đại dịch tựa như một “sự trừng phạt của Chúa”.
Đại dịch chỉ giảm thiểu vào năm 1351, khi người dân thực hiện vệ sinh cá nhân, môi trường tốt hơn và thực hành y tế công cộng.
Cái chết đen là khởi đầu cho “sự suy tàn của chế độ nông nô” vì rất nhiều người đã chết, những người sống sót có cơ hội nâng cao mức sống. Công nhân có nhiều cơ hội làm việc hơn, sự di chuyển xã hội cũng tăng lên, chiến tranh cũng tạm thời ngưng lại.
Bệnh dịch hạch Justinian (541 – 750 sau Công nguyên)
Đại dịch hạch đầu tiên mà loài người gánh chịu xảy ra vào triều đại vua Justinian I (483 – 565 sau Công nguyên) cai trị Đế quốc Byzantine (còn gọi là Đông La Mã) bởi vi khuẩn dịch hạch (Yersinia pestis). Do điều kiện vệ sinh kém, dân trí thấp nên trận dịch này đã giết chết khoảng 50 triệu người khắp vùng Trung Á, Trung Đông, Bắc Phi, chiếm một nửa dân số thế giới khi ấy.
Khi đại dịch diễn ra, xác con người và động vật rải rác khắp nơi, các hố chôn tập thể quá tải tới mức người ta phải đặt xác lên thuyền rồi cho trôi ra đại dương. Người nhiễm bệnh khi ấy có thể được nhân viên y tế chữa trị hoặc thực hiện các biện pháp khắc phục tại nhà bằng cách tắm nước lạnh, dùng bột phấn để bôi và nhiều loại thuốc chứa alkaloid có dược tính mạnh.
Tuy nhiên, đại dịch kết thúc cũng là khi đế chế Byzantine suy yếu, các nền văn minh khác được đà đã tái chiếm vùng đất Byzantine và đế quốc này không bao giờ có thể vực dậy được nữa.